Dành cho bạn nào mất động lực sau kỳ nghỉ dài
Tháng 5 là thời điểm sau một tháng các bạn sinh viên mới ra trường tại Nhật Bản bắt đầu chính thức đi làm tại các doanh nghiệp. Người Nhật có một từ để chỉ cho thời điểm này, đó là 5月病 - Bệnh tháng 5. Căn bệnh này xuất hiện sau khi kết thúc kỳ nghỉ dài và trở lại công việc. Nhiều người cảm thấy mất động lực, uể oải, dễ chán nản và cảm thấy cuộc sống cũng như công việc hiện tại thật nhàm chán, không giống với những gì mình tưởng tượng ban đầu.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân một số phương pháp đã giúp mình vượt qua giai đoạn này
Tạo một số thành công nhỏ để lấy lại sự tự tin
Vấn đề về việc chán nản, mất động lực thì nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là sự thiếu tự tin. Trong trường đại học, chúng ta có thể là một sinh viên suất sắc, năng động nhưng khi bước vào môi trường mới, mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta cần phải tạo dựng mối quan hệ, bắt đầu những công việc vặt vãnh, sống trong vỏ bọc của một người luôn vâng dạ trước sự dạy bảo của người khác. Ngày xưa khi mình đi làm mình sợ phải nghe điện thoại. Vì tiếng nhật kém, Cấp trên thì ngồi ngay cạnh xem mình nói chuyện với khách hàng như thế nào, nói sai hay nói thất lễ là lúc sau “ được chỉ bảo “ ngay. Mình tự gọi căn bệnh của mình là 電話恐怖 - Chứng khủng hoảng điện thoại.
Việc quan trọng là chúng ta phải tạo dựng một số thành công nho nhỏ để có thể lấy lại niềm tin cũng như được sự công nhận của người khác. Các bạn hãy lập một danh sách mục tiêu công việc của ngày hôm đó. Ví dụ,
Hôm nay mình sẽ viết mail mà không có lỗi tiếng Nhật nào
Hôm nay mình sẽ dọn dẹp bàn sạch sẽ nhất phòng này trước khi ra về
Hôm nay mình sẽ lập kỷ lục của bản thân về số lần gọi cho khách hàng
Hôm nay mình sẽ là người chào to nhất phòng ^^
Từ những mục tiêu nhỏ đó, các bạn sẽ tạo dựng cho mình một thói quen phát triển bản thân, cũng như nâng cao sự tự tin cho mình. Và các bạn cũng sẽ nhận sự thay đổi cách nhìn từ những người xung quanh. Lời khen, một lời công nhận dù là nhỏ nhưng sẽ là liều thuốc khiến chúng ta duy trì động lực.
Thử mạnh dạn trình bày ý kiến
Có một vấn đề của các bạn mới ra trường là không dám nói lên suy nghĩ của mình. Các bạn nghĩ mình chưa có kinh nghiệm thực tế, kiến thức chuyên môn nên không dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng không ai bắt các bạn phải trình bày ý kiến như một chuyên gia cả, hãy biểu đạt ý kiến với vai trò là người tiêu dùng. Ví dụ :
Sản phẩm này em thấy nếu em là người tiêu dùng thì…
Tờ quảng cáo này nếu em là người đọc thì…
Tài liệu thuyết trình này nếu em là người khách hàng không hiểu rõ mặt kỹ thuật thì…..
Những ý kiến của các bạn, với tư cách là một người mới cũng có giá trị như những ý kiến của chuyên gia vậy. Do đó hãy tập thói quen mạnh dạn trình bày ý kiến của mình. Mục tiêu là trong cuộc họp trình bày được 1 ý kiến.
Thay đổi lại cách suy nghĩ
Để có thể bắt nhịp nhanh với công việc, chúng ta cần phải thay đổi lại hệ quy chiếu của bản thân (Học sinh → Người đi làm).
Công việc nhàm chán: Là chuyện đương nhiên. Chính những công việc nhàm chán không ai muốn làm mới cần đến chúng ta, giúp công ty tạo ra được mô hình kinh doanh và dịch vụ. Chúng ta không muốn dọn nhà → có công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh. Chúng ta không muốn xử lý giấy tờ thuế → Có công ty đại diện hồ sơ thuế. Trong xã hội của chúng ta, hầu như tất cả mô hình kinh doanh đều đến từ nhu cầu “không ai muốn làm hay ngại làm công việc đó”
Công việc áp lực: Từ người đóng tiền để đi học, sang hình thành người được nhận tiền để đi học (mới đi làm học là chính chứ làm được gì) thì việc áp lực xung quanh là đương nhiên. Chúng ta cần phải quen với nó. Không còn cách nào khác. Tuy nhiên, vừa được tiền, vừa đc học nghề, quá sướng.
Mối quan hệ với mọi người xung quanh không được tốt: Điểm mấu chốt mối quan hệ trong công ty phụ thuộc vào thành tích. Nếu bạn làm kinh doanh, bạn có doanh số tốt, tự khắc mọi người sẽ công nhận và muốn tạo quan hệ với bạn. Kinh nghiệm của mình, tạo ra nhiều hợp đồng tự khắc mối quan hệ sẽ tốt lên.
Trên đây là 3 kinh nghiệm của mình (trong nhiều cái nữa nhưng sẽ chia sẻ sau), mong các bạn sẽ tham khảo để có thể vượt qua được tháng 5 sóng gió này.
Nếu bạn nào đang làm trong công tác quản lý, hãy hiểu rõ tâm lý của cấp dưới, tạo cho họ nhiều cơ hội để họ có những trải nghiệm thành công. Khi một nhóm đều có chung một tâm lý tốt thì công việc chung sẽ rất thuận lợi.
Thân ái chào quyết thắng !
この記事が気に入ったらサポートをしてみませんか?