![見出し画像](https://assets.st-note.com/production/uploads/images/167287892/rectangle_large_type_2_9646aeec889b6d5819c6a06fa095af7e.png?width=1200)
Nhớ lâu kiến thức từ sách bằng cách viết ra giấy ngay khi đọc | Sách アクション リーディング | 赤羽 雄二
Tác giả cuốn sách アクション リーディング (tạm dịch: Đọc sách chủ động) là Akaba Yuji. Mình bắt đầu biết đến tác giả thông qua cuốn Tư duy 0 giây. Cảm thấy cuốn sách này có nhiều điều hữu ích, áp dụng được cho bản thân nên mình đã tìm đọc các cuốn khác của tác giả.
Tác giả có 14 năm làm tại công ty McKinsey & Company - một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới. Tuy làm việc với một khối lượng công việc dày đặc, vô cùng bận rộn nhưng tác giả vẫn có thời gian để đọc sách. Có tháng còn đọc từ 10 ~ 15 cuốn. Điều này khiến mình vô cùng tò mò muốn tìm hiểu cụ thể cách tác giả đã thực hiện như thế nào.
Tác giả lấy đâu ra thời gian để đọc sách dù công việc bận rộn?
Đọc sách xong tác giả áp dụng như thế nào?
Làm thế nào để có thể hiểu và ghi nhớ kiến thức từ sách?
Ba bài học mình rút ra được khi đọc sách.
1.Đặt ưu tiên cao nhất cho việc đọc sách
Bạn có từng nghe nói tới ma trận quản lý thời gian Eisenhower chưa? Đó là công cụ được dùng để quản lý thời gian dựa trên mức độ quan trọng và mức độ khẩn cấp.
Nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp
Nhiệm vụ quan trọng và không khẩn cấp
Nhiệm vụ không quan trọng và khẩn cấp
Nhiệm vụ không quan trọng và không khẩn cấp
Mức độ cao nhất chính là một nhiệm vụ vừa quan trọng vừa khẩn cấp.
Để thiết lập thói quen đọc sách, tác giả đã đặt việc đọc sách lên mức độ ưu tiên cao nhất. Đưa việc này vào danh sách những việc không thể không làm, dù có bận gì đi chăng nữa.
Giống như việc ăn cơm, đánh răng mỗi ngày. Khi xem đó là việc quan trọng, bạn sẽ tìm được thời gian để làm.
Ban đầu bạn có thể tìm một thời gian cố định 30 phút mỗi ngày để đọc sách..
Mình thường dùng 30 phút nghỉ trưa để đọc sách. Vì muốn tạo trang blog để ghi lại những bài học từ cuốn sách và chia sẻ tới mọi người nên việc đọc sách với mình là việc quan trọng.
Khi có một lý do để cố gắng thì tự nhiên tự bên trong bản thân sẽ thôi thúc mình hành động.
Ngoài thời gian đi làm ra thì thời gian đọc sách vào ngày nghỉ của mình không cố định. Nhưng mình vẫn luôn cố gắng sắp xếp để duy trì thói quen đọc sách.
2.Viết xuống ngay sau khi đọc xong
Tác giả khuyên rằng nên viết ngay ra khi vừa đọc xong sách. Viết lại tất cả những gì mình nhớ hay nghĩ đến vào tờ giấy A4. Đặt ngang tờ giấy A4, phía trên bên trái ghi tiêu đề chính, phía trên bên phải ghi ngày tháng. Bên dưới tiêu đề ghi ra tất cả những điều hiểu, nhớ, câu hỏi hiện ra trong đầu trong 1 phút đến 1 phút 30 giây.
Điều quan trọng là viết mà không nhìn lại sách. Giống như một cách hồi tưởng lại kiến thức.
Giới hạn thời gian giúp cho bộ não tập trung hoạt động.
Cách này thực sự hiệu quả đối với mình. Có thể bạn sẽ đọc được ở đâu đó những lời khuyên như nên ghi chép lại để nhớ kiến thức lâu hơn. Biết là vậy, nhưng nhiều lúc mình cũng cảm thấy ngại khi ghi chép. Tự bảo mình rằng bao giờ có thời gian thì ghi chép cẩn thận. Kết cục thì trước khi ghi chép lại kiến thức cuốn sách cũ thì mình đã tìm tới đọc cuốn sách khác. Và lại càng có lý do để trì hoãn việc viết.
Nhưng với 1 phút ngắn ngủi thì mình cảm thấy không bị ngại khi viết. Bên cạnh luôn chuẩn bị sẵn giấy A4 để đọc xong là viết ra ngay.
Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy bất ngờ giống mình. Khi đọc cứ tưởng rằng mình hiểu và nhớ được hết. Nhưng khi gấp cuốn sách lại, có khi chỉ ghi được lại vài dòng ngắn ngủi. Vừa đọc xong mà cảm giác như đã đọc từ lâu lắm rồi nên không nhớ ra được nội dung.
3.Ứng dụng kiến thức từ sách thông qua チャレンジシート - Bản thử thách ghi chép
チャレンジシート - Bản thử thách ghi chép là một mẫu được dùng để ghi lại những kiến thức đã đọc và viết ra các hành động để ứng dụng kiến thức trong sách.
Câu trúc của mẫu được chia làm bốn cột trả lời cho bốn câu hỏi:
Lý do, điều bạn muốn khi đọc cuốn sách?
Bạn học được điều gì sau khi đọc?
Đọc cuốn sách này, từ bây giờ bạn sẽ làm gì?
Ba tháng sau bạn làm gì và muốn trở nên như thế nào?
Mỗi tuần chọn ra một ngày cố định để xem lại bản ghi, sau ba tháng kiểm tra lại một lần nữa. Điều này giúp bạn đánh giá xem bản thân có đang thực hiện những điều đã ghi ra hay không, kết quả thực hiện có đúng như mong đợi hay không.
Đây là bản ghi chép của mình áp dụng sau khi đọc xong cuốn sách này
![](https://assets.st-note.com/img/1735197884-IVRAwmXa1E0MBFjL53oiu9gY.png?width=1200)
Cuốn sách dành cho những ai muốn thiết lập thói quen đọc sách chủ động, áp dụng kiến thức từ sách vào hành động để giải quyết vấn đề. Mình tin rằng sau khi đọc xong cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy cho mình những ý tưởng để ứng dụng vào bản thân.
Nếu đọc sách là việc quan trọng đối với bạn, bạn sẽ làm. Dù có bận rộn như thế nào.